PHẦN 5
SAIGON
Các Trận Ðánh Trong Ðợt Tổng Công Kích Ðầu Tiên
(Thủ đô Saigon, Chợ Lớn, Gia Định và các vùng phụ cận)
Các Trận Ðánh Trong Ðợt Tổng Công Kích Ðầu Tiên
(Thủ đô Saigon, Chợ Lớn, Gia Định và các vùng phụ cận)
Việt Cộng tấn công thủ đô Saigon vào
lúc 2 giờ khuya mồng một Tết Mậu Thân năm 1968. Trong khi tiếng pháo mừng Xuân
vẫn còn nổ lẻ tẻ trên các hè phố đô thành, bỗng xen lẫn vào tiếng súng to nhỏ
nổ vang theo từng nhịp. Người dân đô thành quen hưởng cảnh an lạc thái bình
không quen phân biệt tiếng nổ, chỉ tưởng là pháo. Cũng có nhiều người biết là
tiếng súng nhưng họ cũng chẳng quan tâm vì trong thời loạn ly những tiếng súng
nổ đối với họ quá thường tình và họ coi như chẳng có gì quan trọng xảy ra.
Khi trời sáng rõ, người dân đô thành
vẫn trong cái sinh hoạt ngày Tết ăn mặc trịnh trọng kéo nhau ra đường để tiếp
tục các cuộc hành trình thăm viếng và vui chơi. Nhưng rồi những tin tức về một
cuộc tấn công của Việt Cộng được đưa tới. Nhiều người vẫn hoài nghi cho rằng
chỉ là một vụ đảo chánh như những vụ đảo chánh khác đã xảy ra qua tiếng súng nổ
ở đô thành.
Vào 08 giờ sáng, đài phát thanh Quốc
Gia đọc lời ban bổ lệnh giới nghiêm của Phó Tổng Thống. Ông Nguyễn Cao Kỳ thừa
hành lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tố cáo các hành vi tấn công của Việt
Cộng vi phạm lệnh hưu chiến. Người dân vẫn hoài nghị tại sao Tổng Thống Thiệu
không đích thân công bố. Nhưng rồi ở giữa một thủ đô Saigon rộng lớn mà những
cái ở đầu tỉnh xảy ra cuối tỉnh không hay, thì bây giờ người ta đều được biết
là Việt Cộng quả thực đã tấn công vào đô thành.
Việt Cộng đã lợi dụng sự đi lại tự do
suốt đêm và lệnh hưu chiến để xâm nhập vào nhiều nơi trong thủ đô. Đêm mồng Một
Tết, họ đã mở nhiều cuộc công kích vào một vài địa điểm quan trọng và đầu não
tại trung tâm thành phố:
Cũng trong đêm này, tại các khu vùng phụ cận thủ đô, Việt Cộng đã
mở các cuộc công kích vào một vài nơi khác:
Trại Cổ Loa và trại Phù Đổng Thiên Vương của Thiết Giáp và một
phần trại Cổ Loa của Pháo Binh.
Căn Cứ 80 Quân Cụ và Căn Cứ 60 Truyền Tin tại Hạnh Thông Tây: Việt
Cộng chỉ bắn quấy phá.
Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung tại Hốc Môn: Việt Cộng bị thiệt
hại nặng và bị ngăn chặn tại cổng trại.
Vào sáng mồng 2 Tết
nhiều cánh quân địch xuất hiện tại đô thành và các vùng phụ cận. Tình hình địch
được ghi nhận như sau:
Một cánh quân Việt Cộng xuất hiện tại khu Bà Quẹo. Họ đặt bộ chỉ
huy tại hãng dệt Vinatexco để uy hiếp phi trường Tân Sơn Nhất và các khu dân cư
tại đây.
Một cánh quân Việt Cộng xuất hiện tại khu Gò Vấp. Họ uy hiếp và
chiếm một phần trại Cổ Loa của Pháo Binh và toàn trại Phù Đổng của Thiết Giáp.
Việt Cộng cũng xâm nhập các khu đông dân cư Gò Vấp, Xóm Mới, rồi lan tràn tới
khu Ngã Năm Bình Hòa.
Một cánh quân Việt Cộng xuất hiện tại Hàng Xanh để rồi tiến quân
về Tiểu Khu Gia Định và uy hiếp khu vực Cầu Xa Lộ.
Một cánh quân Việt Cộng xuất phát từ Phú Thọ và lan tràn vào các
khu dân cư ở Phú Thọ, Bà Hạt và các khu kế cận.
Một cánh quân Việt Cộng còn hoạt động ở xa thủ đô Saigon tại vùng
Thủ Đức. Họ tấn công chi khu Thủ Đức trong đêm trước và đang uy hiếp chi khu
này.
Một cánh quân Việt Cộng sau chót còn hoạt động ở xa thủ đô tại
vùng Hốc Môn. Họ chiếm các vùng phụ cận Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.
Việt Cộng xử dụng các toán đặc công xung kích vào các mục tiêu tại
trung tâm thủ đô. Trong khi đó, các lực lượng khác ở bên ngoài đều tiến vào nội
thành để hỗ trợ cho các toán xung kích ở bên trong, và đồng thời xâm nhập vào
các khu dân cư.
Sở dĩ Việt Cộng thất bại không làm chủ được tình hình vì họ dùng
những lực lượng xung kích quá nhỏ để đánh vào những mục tiêu quá lớn. Các lực
lượng xung kích nhỏ này không đủ khả năng mở đợt công phá dù xâm nhập được vào
bên trong nhưng tiềm lực yếu cho nên họ không thể thọc sâu khai thác chiến quả.
Hơn nữa, các lực lượng bên trong và bên ngoài của Việt Cộng vì hoạt động trên
một địa bàn quá rộng rãi nên đã không phối hợp và hỗ trợ nhau chặt chẽ được.
Tuy các cánh quân của Việt Cộng đã có mặt ở các vùng ven đô nhưng sự hoạt động
của họ có vẻ rất rời rạc.
Sáng
mồng 2 Tết, các đơn vị Việt Cộng mưu toan đánh úp các cơ quan đầu não của
Việt Nam Cộng Hòa đã không thành công trong đêm trước. Việt Cộng không đánh vào
bất cứ một cơ quan nào của Hoa Kỳ. Và với các cánh quân nói trên, họ hy vọng ở
sự tiếp tay nổi dậy của dân chúng, cố gắng lan tràn vào các khu đông dân cư.
Để ngăn chặn và theo dõi các hoạ động của họ, các phi cơ chiến đấu
và quan sát của Việt Nam Cộng Hòa thay nhau bay thường xuyên trên vòm trời thủ
đô. Dân chúng thấy Việt Cộng đến và thấy phi cơ uy hiếp trên trời đều lũ lượt
dắt díu nhau lánh cư vào trong thành phố.
Ngay trong đêm mồng 2, lực lượng phản công của chánh phủ được tung
ra. Hai đại đội của Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù được đưa đến giải tỏa đài phát thanh.
Nơi này được quân đội chiếm lại trước 0 giờ 30 sáng. Trong khi đó Tiểu Đoàn 8
Nhảy Dù chia quân làm hai cánh. Cánh thứ nhất gồm hai đại đội được phái tới
giải tỏa cổng số 4 của Bộ Tổng Tham Mưu. Nhưng suốt ngày vẫn không giải quyết
xong vì Việt Cộng núp trong khu nhà bằng gạch của Trường Sinh Ngữ Quân Đội và
bắn ra dữ dội. Cánh thứ hai với hai đại đội còn lại tới bảo vệ đầu phi đạo Tân
Sơn Nhất ở Bà Quẹo và ngăn chận Cộng quân xâm nhập khu hãng dệt Vinatexco.
Vào buổi trưa, toàn bộ Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù được đưa về phi trường
Tân Sơn Nhất chờ lệnh. Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân (BDQ) với bốn tiểu đoàn (Tiểu
Đoàn 30, 33, 34 và 38) đang trấn đóng vòng quanh khu bán nguyệt từ Thủ Đức, Nhà
Bè, Bình Chánh đến Hốc Môn. Đêm hôm đó, Liên Đoàn 5 nhận được lệnh phải gửi
ngay hai tiểu đoàn Biệt Động Quân về giải cứu thủ đô. Tiểu Đoàn 30 và 38 Biệt
Động Quân lập tức ra đi và họ đã tiến vào thành phố trước khi trời sáng. Tiểu
Đoàn 30 Biệt Động Quân đến khu vực Hàng Xanh Xa Lộ lúc 4 giờ sáng ngày mồng 2
Tết. Tại đây, các binh sĩ Mũ Nâu này đã chạm súng dữ dội với Việt Cộng. Trong
khi đó Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân xuất phát từ Nhà Bè vào 4 giờ sáng ngày mồng
2 Tết đến giải tỏa khu Phú Thọ, Trần Quốc Toản.
Vào lúc 06 giờ 30 cùng ngày Tiểu Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC)
từ Vũng Tàu được không vận về Saigon mặc dù đơn vị này vừa hành quân ở Miền
Trung mới về có hai ngày. Song song với Tiểu Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến, Chiến
Đoàn B gồm các Tiểu Đoàn 1 và 2 của Thủy Quân Lục Chiến đang ở Cai Lậy (thuộc
tỉnh Định Tường) cũng được không vận về Saigon ngay vào gần chiều tối hôm đó.
Chiều mồng 2 Tết, người ta đã thấy những đám cháy bóc lên ngùn
ngụt tại đường Nguyễn Kim gần sân vận động Cộng Hòa. Như vậy có nghĩa là cánh
quân Việt Cộng phát xuất từ Phú Thọ Hòa tiến vào trung tâm thành phố đã không
gặp trở ngại nào đáng kể. Khi tiến vào, Việt Cộng chỉ bắn quấy rối Chi Cảnh Sát
Nguyễn Văn Thoại ở phía Nam trường đua, bắn vào trại Cảnh Sát Dã Chiến ở đường
Trần Quốc Toản cùng các doanh trại của Tiểu Đoàn 10 Vận Tải và lực lượng Công
Binh ở xung quanh.
Việt Cộng chiếm trường đua Phú Thọ, kiểm soát các khu vực quanh
Trường Nữ Quân Nhân tại vườn Cao su cũ. Cánh quân này đã lan tràn vào khu vực
đông dân cư ở khoảng đường Bà Hạt loang ra một khu rộng lớn từ chùa Từ Nghiêm
đến chùa Ấn Quang có bốn đại lộ bao bọc là Nguyễn Tri Phương, Trần Quốc Toản,
Lý Thái Tổ và Minh Mạng.
Đường Nguyễn Kim bị oanh kích vì Việt Cộng xuất hiện rất dông. Đám
cháy này từ một điểm nhỏ lan tràn cháy cả một khu phố. Cũng vào buổi chiều mồng
2 Tết, người ta thấy Việt Cộng xuất hiện và đột nhập vào nhà thương Nhi Đồng,
bắn vào hậu cứ Tiểu Đoàn 5 Quân Cảnh ở đường Lý Thái Tổ. Người ta còn thấy
khoảng một trung đội Việt Cộng xuất hiện tại đường Sư Vạn Hạnh, Lý Thái Tổ và
một số ít ẩn núp trong chùa Ấn Quang.
Như vậy người ta thấy rằng Việt Cộng tiến vào khu này là một khu
vực đông dân cư lao động và cũng là nơi có chùa Ấn Quang từng phát xuất các đợt
xuống đường chống chính phủ nhằm để nhen nhuốm lên một cuộc nổi dậy của nhân dân
phát xuất từ đây lan tràn vào đô thị. Người dân đô thành trong ngày hôm ấy theo
dõi từng tiếng súng nổ xa gần, từng hoạt động của các máy bay ở trên vòm trời
và theo dõi tin tức trên radio.
Đài phát thanh Quốc Gia, khác với thường lệ, chỉ phổ biến những
bản nhạc hùng binh, thỉnh thoảng chen vào một vài tin tức sốt dẽo. Vào buổi
sáng, đài phát thanh đã truyền lệnh gọi các quân nhân nhập trại. Một vài quân
nhân trên đường vào trại đã bị các phần tử Việt Cộng trà trộn trong dân chúng
bắn hạ ngay ngoài đường. Tuy nhiên, một số đông quân nhân khác cũng đã vào được
trại an toàn. Những quân nhân này đều được đại tướng tham mưu trưởng Quân Lực
Việt Nam Cộng Hòa cấp tưởng lục khen ngợi.
Vào buổi chiều, đài phát thanh loan tin chiến sự tại khu Hàng Xanh
cho biết quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã gặt hái được một vài thắng lợi. Một tin
khác được loan đi vào hồi 17 giờ 00 yêu cầu dân chúng Bà Quẹo tránh xa khỏi
hãng dệt Vinatexco, nơi Việt Cộng tập trung và đóng bộ chỉ huy để quân đội sẽ
oanh tạc vào đúng 18 giờ 00. Ngoài ra, loa phóng thanh cũng được dùng để kêu
gọi toàn bộ lực lượng Việt Cộng trong khu vực này ra đầu hàng. Hãng dệt
Vinatexco đã bị oanh tạc thiêu rụi vào giờ ấn định trên. Trước khi oanh tạc,
Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù đã dồn Việt Cộng vào khu vực này. Quyết dịnh oanh tạc được
ban ra vì sợ Việt Cộng lợi dụng đêm tối sắp đến để tăng cường thêm quân đánh
vào phi trường Tân Sơn Nhất.
Cũng vào gần chiều tối ngày
mồng 2 Tết, trực thăng võ trang đến xạ kích vào khu vực Trường Nữ Quân
Nhân. Sau đó lực lượng bộ chiến Việt Nam Cộng Hòa đến giải tỏa một khúc đường
Nguyễn Văn Thoại chạy ngang khu trường đua do Việt Cộng kiểm soát.
Vào sáng mồng 3 Tết,
tám tiểu đoàn tổng trừ bị đã có mặt tại đô thành. Các lực lượng này được phối
trí để mở các cuộc phản kích như sau:
Tiểu Đoàn 6 và 8 Nhảy Dù giải tỏa cổng số 4 ở trại Trần Hưng Đạo.
Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù bảo vệ đài phát thanh và làm lực lượng trừ bị. Tiểu Đoàn 2
Thủy Quân Lục Chiến đi giải tỏa cổng số 4 trại Trần Hưng Đạo (lúc đầu là trách
nhiệm của Thủy Quân Lục Chiến, nhưng sau đó được giao lại cho Nhảy Dù), cổng xe
lửa số 2 và số 4 (Gia Định). Tiểu Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến giải tỏa trại Cổ
Loa và Phù Đổng. Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến chận đường rút lui của Việt
Cộng tại trại Cổ Loa. Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân giải tỏa khu Hàng Xanh Xa Lộ.
Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân giải tỏa khu Phú Thọ, Bà Hạt.
Trong ngày này, lực lượng Nhảy Dù đã hoàn tất nhiệm vụ giải tỏa
cổng số 4 trại Trần Hưng Đạo ngay trong buổi sáng. Trực thăng võ trang đã phải
oanh kích vào khu vực này gây thiệt hại về doanh trại cho Trường Sinh Ngữ Quân
Đội, Trường Tổng Quản Trị, Trung Tâm Huấn Cụ và Thính Thị và một vài thiệt hại
nhỏ cho các cơ sở khác kế cận. Cũng trong ngày hôm đó, các tiểu đoàn Thủy Quân
Lục Chiến chiếm lại được các trại Cổ Loa và Phù Đổng. Cả hai nơi này đều bị
Việt Cộng trấn giữ từ hôm xảy ra các trận đánh.
SOURCE:
.
No comments:
Post a Comment